itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Internet khuấy đảo bầu cử Mỹ

Internet khuấy đảo bầu cử Mỹ

Trang web tranh cử tổng thống của

đảng viên Dân chủ Barack Obama.

Liệu Internet có thể đảo lộn dòng chảy của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, như kiểu cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên năm 1960 đã tạo ra hình ảnh một John Kennedy ăn hình, thắng đứt Richard Nixon vốn đang vượt điểm trong các cuộc thăm dò?

Năm 2007, Barack Obama đã rầm rầm bước vào chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Mới cách đây một năm, tên tuổi của vị nghị sĩ da đen trẻ tuổi của bang Illinois này vẫn còn khá xa lạ với công chúng. Nay, ông đang tranh giành với bà Hillary Clinton vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Theo François Durpaire và Olivier Richomme, hai tác giả của bản tiểu sử dành cho ngôi sao đang lên này của đảng Dân chủ, “sự xuất hiện của Obama trên Internet là một trong những nguồn chính đem lại thành công cho ông”. Nhờ một chiến dịch tranh cử trên web rất tỉ mỉ, ông đã sử dụng thành công thứ vũ khí đặc biệt là hàng chục ngàn người tình nguyện trên khắp cả nước để gây quỹ. Kết quả là một gia tài để chạy đua vào Nhà Trắng của ông đạt hơn 80 triệu USD, đưa ông lên vị trí thứ hai, chỉ sau bà cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Sự thăng hoa của Barack Obama đã khẳng định điều mà người ta biết từ năm 2004: Internet giúp cho một chính trị gia non nớt nổi lên như một “người có thể lãnh đạo” bằng cách tạo ra một hình ảnh có thể thấy rõ của anh ta trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống vốn có tầm ảnh hưởng.

Tranh cử trên mạng đã trở thành một bước chuyển bắt buộc. Các ứng cử viên kế nhiệm Tổng thống George W. Bush đang đua nhau tâm sự trên blog, phát biểu trên các trang web xã hội (như Facebook, MySpace), trả lời trực tiếp các câu hỏi của những người viếng thăm trang web chính thức của mình hay trong các cuộc tranh luận thoải mái mà YouTube hoặc Google tổ chức. Người ta cũng thấy họ trong vũ trụ ảo của Second Life.

Mạng Internet đang đảo lộn các thói quen. Barack Obama, Hillary Clinton và John Edwards đã tung ra cương lĩnh tranh cử với những thông điệp trên trang web của mình. Những người điều hành trang web của họ đang cố gắng đem đến cho họ một hình ảnh gần với cử tri.

Những nhà tài trợ nhỏ thì rút thăm để có quyền ăn tối trong ánh nến với Barack Obama trước ống kính máy quay. Ứng vử viên đề cập với họ về việc rút quân khỏi Iraq hay những khó khăn trong việc hòa giải giữa cha mẹ và con cái, và chiến dịch bầu cử. Kết quả là một bộ phim ngắn được phát trên trang web cá nhân của ông.

Còn những người ủng hộ Hillary Clinton thì được mời tới tham dự cùng chồng bà là cựu tổng thống Bill Clinton trong cuộc tranh luận trên truyền hình mới đây của những người Dân chủ. Ngồi trước màn hình nhỏ trong một chiếc tràng kỷ tiện nghi, họ cùng nhai cà rốt nướng với cựu tổng thống Mỹ và nói những điều tốt đẹp về ứng cử viên của mình.

Khác với những trang web năm 2000 và 2004, thường thu hút mọi người bằng một galerie các bức chân dung kèm theo một trích đoạn phát biểu, các chiến dịch tranh cử trên mạng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 mang tính tương tác hơn và đổi mới hơn. Giờ đây, những người nghiền mạng có thể tạo ra cho mình profil riêng, trao đổi với những “người cùng chí hướng” hay viết blog của mình.

Những người hiện đại hơn còn đưa ra những đường liên kết đến các băng video tự quay đã post lên YouTube hay một bản tiểu sử của ứng cử viên trên trang web từ điển bách khoa Wikipedia. Từ sau cuộc bầu cử tổng thống trước đây, không gian mạng đã có một bước phát triển vượt bậc, trở thành nguồn thông tin chính cho đa phần người Mỹ.

Theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew, 43% trong số người Mỹ được hỏi ngày nay ưu tiên dùng Internet để tìm kiếm thông tin, trong khi chỉ 17% vẫn còn đọc báo giấy. Không để bị rơi vào một buổi nghe thuyết trình bị động, khách mạng giờ đây được thể hiện quan điểm của mình trên mạng.

Tuy nhiên những cách thức vận động truyền thống vẫn còn đầy quyền lực. Khó khăn của các ứng cử viên là biến những ủng hộ viên điện tử thành những lá phiếu cho họ vào ngày bầu cử. Ở điểm này, nếu mạng Internet đã chứng tỏ được khả năng huy động những phần tử cốt cán, thì hiệu quả của nó khi phải vây dồn những cử tri còn do dự hay quen bỏ phiếu trắng dường như còn hạn chế. Mặt khác, thế giới ảo này hướng tới một lượng công chúng trẻ tuổi, những tín đồ của công nghệ mới, có giáo dục... do vậy, không bao quát hết các cử tri.

Bà Julie Germany, làm việc tại IPDI, một trung tâm nghiên cứu ảnh hưởng của Internet lên đời sống chính trị, đã cảnh báo các ứng cử viên: “Một chiến dịch tranh cử tốt cho năm 2008 sẽ không thể chỉ dựa trên công nghệ. Nó phải dựa vào toàn thể các phương tiện thông tin đại chúng, không loại trừ các cuộc gặp mặt truyền thống để tiếp xúc trực tiếp với mọi người”.

Có thể Internet không thay đổi kết quả bầu cử tổng thống. Nhưng nó đang làm một cuộc cách mạng trong cách vận động tranh cử ở Mỹ.

Bạch Dương (Theo VnExpress)