itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / “Canh bạc” mạo hiểm

“Canh bạc” mạo hiểm

Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Pê-vết Mu-sa-ráp đang được xem là một “canh bạc chính trị” đầy mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh phức tạp hiện nay trên chính trường Pa-ki-xtan.

Theo Tổng thống Mu-sa-ráp, quyết định trên nằm trong nỗ lực của ông nhằm khôi phục uy tín và sức mạnh của chính quyền để đối phó với các thách thức từ các lực lượng khủng bố cực đoan, từ việc can thiệp quá sâu vào công việc chính phủ của bộ máy tư pháp cũng như các lực lượng chính trị đối lập. Ông Mu-sa-ráp nhấn mạnh, tình trạng khủng bố cực đoan đã lên tới đỉnh điểm nguy hiểm, đe dọa chủ quyền và độc lập của Pa-ki-xtan. Ông cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước là bước cần thiết để hoàn tất tiến trình quá độ sang chế độ cầm quyền dân chủ dân sự ở Pa-ki-xtan.

Quyết định dùng biện pháp mạnh của ông Mu-sa-ráp được coi là sự kiện bất ngờ bởi sau chuyến hồi hương đầy sóng gió của nữ cựu Thủ tướng B.Bút-tô hồi tháng 10 vừa qua, nhiều người đã tin tưởng rằng bế tắc trên chính trường Pa-ki-xtan đã có lối thoát. Chính quyền quân sự của ông Mu-sa-ráp và đảng Nhân dân Pa-ki-xtan (PPP) của bà Bút-tô đã có thỏa thuận chia sẻ quyền lực hiếm có. Theo đó, ông Mu-sa-ráp sẽ tái cử Tổng thống và bà Bút-tô được quyền ra tranh cử Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào tháng 1-2008.

Thế nhưng, những dấu hiệu rạn nứt trong liên minh quyền lực mới này đã nhanh chóng xuất hiện. Lời đe dọa sẽ rút toàn bộ các nghị sĩ của PPP ra khỏi quốc hội mà bà Bút-tô đưa ra sát thềm cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6-10 vừa qua, kèm theo cáo buộc rằng ông Mu-sa-ráp “vi phạm thỏa thuận chia sẻ quyền lực” khi không hề đả động gì tới việc cho phép bà ra tranh cử Thủ tướng nhiệm kỳ ba sau khi bà trở về nước, đã bắt đầu dấy lên trong dư luận những nghi ngờ về tính bền vững của liên minh này. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm duy trì quyền lực của chính quyền quân sự sau cuộc bầu cử Tổng thống sẽ không nằm ngoài sự lựa chọn của ông Mu-sa-ráp.

Dù cho đã đắc cử Tổng thống, song chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng ông Mu-sa-ráp sẽ trụ lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Nói như vậy vì tính hợp pháp của cuộc bầu cử Tổng thống phải được Tòa án Tối cao Pa-ki-xtan thông qua. Trước khi bầu cử diễn ra, các phe phái đối lập liên tục gây sức ép lên ông Mu-sa-ráp đòi ông phải từ bỏ bộ quân phục cùng chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội để tham gia tranh cử theo đúng tinh thần của một cuộc bầu cử dân chủ dân sự. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Pa-ki-xtan đã không chấp nhận yêu sách đó mà chỉ tuyên bố rằng, ông sẽ tuyên thệ như một Tổng thống dân sự nếu như được xác nhận tái đắc cử. Chính điều này đã đặt ông Mu-sa-ráp vào thế đứng bấp bênh, vì nếu như Tòa án Tối cao khẳng định ông vi phạm nguyên tắc bầu cử, kết quả tái đắc cử của ông sẽ “trôi sông đổ biển”.

Trong bối cảnh đó, việc ông Mu-sa-ráp ban bố tình trạng khẩn cấp bị phe đối lập cáo buộc là nhằm ngăn chặn Tòa án tối cao ra phán quyết bất lợi cho mình, đồng thời cản trở lộ trình của cuộc tổng tuyển cử vào năm sau. Tuy nhiên, quyết định này đặt ông vào một “canh bạc” đầy rủi ro. Kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của cựu Thủ tướng Na-oa Sa-ríp năm 1999, ông Mu-sa-ráp thường xuyên phải đối mặt với sức ép từ trong nước và quốc tế yêu cầu phải đưa Pa-ki-xtan trở lại con đường dân chủ. Nói cách khác, dư luận yêu cầu ông Mu-sa-ráp phải tổ chức được một cuộc bầu cử dân chủ thay thế cho chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính.

Việc ông Mu-sa-ráp sử dụng biện pháp quân sự để duy trì quyền lực có thể đẩy Pa-ki-xtan vào khủng hoảng nội bộ thực sự mà bằng chứng là những làn sóng biểu tình đang ngày một dâng cao. Bên cạnh đó, với việc ông Mu-sa-ráp ban bố tình trạng khẩn cấp “vô thời hạn”, thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa ông và bà Bút-tô coi như không còn hiệu lực, cuộc tổng tuyển cử có thể bị dời lại ít nhất từ một tới hai năm. Phe đối lập tất nhiên không chịu ngồi im chịu cảnh thất thế. Đụng độ giữa cảnh sát với hàng nghìn người theo phe đối lập đang diễn ra tại Pa-ki-xtan báo hiệu sự chống đối đến cùng biện pháp mạnh tay của ông Mu-sa-ráp. Nếu tình trạng phản đối kéo dài, ông Mu-sa-ráp sẽ không chỉ phải chịu áp lực mất đi lá phiếu ủng hộ trong các vòng bầu cử sắp tới mà quan trọng hơn, niềm tin của người dân Pa-ki-xtan vào chính quyền quân sự do ông nắm quyền sẽ ngày càng sụt giảm bởi tiêu chí dân chủ mà họ yêu cầu đã không được đáp ứng.

Ban bố tình trạng khẩn cấp chỉ là “giải pháp tình thế” để ông Mu-sa-ráp duy trì quyền lực. Nếu muốn tồn tại, ông Mu-sa-ráp không thể không xây dựng được một liên minh đủ mạnh để duy trì đa số lá phiếu tín nhiệm trong Quốc hội cũng như đem lại lòng tin cho cử tri.

LINH AN