Ông Musharraf “nhốt” bà Bhutto
Tại sao ông Musharraf lại không “nhốt” luôn bà Bhutto từ lần đầu quản thúc hôm thứ sáu tuần trước, thả ra chỉ trong ba ngày làm chi cho “mất công”? Câu trả lời không quá khó.
Với quyết định “nhốt” rồi thả, thả rồi “nhốt”, ông Musharraf muốn cho thấy quyền lực trong tay ông vẫn là khó bề xâm phạm.
Thế còn phản ứng của Hoa Kỳ, ông Musharraf không ngại sao? Không, ông Musharraf đã chứng tỏ ông biết cách “cựa quậy”, nhất là khi ông đã “nắm tẩy” Hoa Kỳ. Tổng thống Bush muốn ông tổ chức bầu cử ư? Được thôi, sẽ bầu cử vào ngày 9-1 năm tới, như ông trả lời hôm chủ nhật. Còn bầu như thế nào, đến lúc đó sẽ rõ.
“Lá bài tẩy” mà ông Musharraf nắm là từ tay Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Negroponte “trao cho”. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm thứ tư tuần trước, ông thứ trưởng này phân bua: “Điều gì xảy ra tại Pakistan đều ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích của chúng ta. Pakistan có đến 160 triệu dân mà đại đa số theo Hồi giáo, là một nước có vũ khí hạt nhân, nằm ở giao lộ giữa Nam Á và Trung Á, có 1.600km biên giới chung với Afghanistan - nơi chúng ta và NATO đang bị đe dọa đủ điều. Sự tiếp tục cộng tác của Pakistan là sinh tử đối với chúng ta tại Afghanistan... Tôi tin rằng căn cứ vào tính lâu dài của quan hệ chúng ta với Pakistan, việc Hoa Kỳ tiếp tục các chương trình viện trợ cho Pakistan là rất quan trọng”.
Chưa hết, ông Negroponte còn “phong thánh” cho Musharraf: “...Tổng thống Bush cũng đã chỉ rõ rằng Tổng thống Musharraf là không thể thiếu được trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, không thể thiếu được đến mức các phe cực đoan đã nhiều lần mưu sát ông”.
Nghe ông Negroponte biện luận và “tung hô” như thế trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ tư tuần trước, tức thứ năm giờ Pakistan, ông Musharraf hiểu ngay rằng ông “trị giá” bao nhiêu đối với lợi ích của Hoa Kỳ. Từ đó, ông Musharraf cảm thấy không bị vướng bởi “thỏa hiệp chia sẻ quyền hành” với bà Bhutto khi thấy mình “nặng ký” đến mức “không thể thiếu được” trên mặt trận chống khủng bố này của ông Bush.
Thế là chỉ một đêm thứ năm, sáng thứ sáu ông ra lệnh quản thúc bà Bhutto. “Nhốt” rồi thả, sau khi ở Washington phản ứng đôi chút. Thả để gọi là “nể mặt” nhau. Thả rồi “nhốt”. Tất nhiên là sau khi hứa hẹn tổ chức bầu cử để Hoa Kỳ khó có cớ “triệt buộc” ông. Việc ông chọn ngày 11-11 để “nhốt” bà Bhutto lần nữa là một tính toán thời điểm chi li: ngày 11-11 là ngày lễ nghỉ cả ở Hoa Kỳ lẫn ở châu Âu, lễ kỷ niệm đình chiến thế giới lần thứ nhất (ở Mỹ gọi là ngày cựu chiến binh), lại nghỉ bắc cầu từ thứ sáu tuần trước, chẳng chính phủ Mỹ, Anh nào đi làm, họp báo để “cự” ông. Sáng thứ ba đi làm thì chuyện đã rồi: muốn bầu cử, có bầu cử, còn chuyện “nhốt” bà ấy trong một tuần, đã sao! “Ép tôi quá đáng, tôi nghỉ chống khủng bố, ráng chịu”.
Tại sao ông Musharraf lại được ông Negroponte “nhã ý” biện hộ trước Quốc hội Mỹ tuần trước? Chẳng qua là vào đầu năm nay ông Negroponte, khi còn là giám đốc tình báo quốc gia (với hàm bộ trưởng), đã khăng khăng rằng Al-Qaeda đang tái tập hợp lực lượng tại Pakistan. Ý ông Negroponte là muốn chuyển lửa chống khủng bố từ Afghanistan sang Pakistan. Lúc đó, ông Musharraf đã giãy nảy cự tuyệt lá bài “mặt trận chính chống khủng bố” này. Nay thì ông Musharraf lại dùng chính lá bài này để tìm đường sống. Muốn “chống khủng bố” tiếp tục thì phải cần đến tướng Musharraf chứ không phải một Benazir Bhutto trói gà không xong.
Sáng thứ ba 13-11, sau khi nghỉ lễ, phát ngôn viên Nhà Trắng Perino họp báo và phản ứng chiếu lệ, thậm chí xuống thang: ”Tổng thống Bush đã từng phát biểu rằng chúng ta muốn tháo gỡ tình trạng khẩn cấp để có thể bầu cử tự do và sòng phẳng, rằng bộ quân phục mà tướng Musharraf đang khoác cần được vứt bỏ... Song tình hình đã biến đổi và nay điều mà Tổng thống Bush muốn nhìn thấy là tình trạng khẩn cấp này được tháo gỡ để đất nước Pakistan quay trở lại với hiến pháp...”. Nhà Trắng đã thôi nhắc đến bộ quân phục của ông Musharraf rồi.
Goethe có vở kịch Faust bán linh hồn cho quỉ Mephistopheles để nhờ quỉ giúp phù phép cho thành. Tình hình Pakistan và cuộc chiến chống khủng bố cứ lùng bùng khiến người ta nghĩ đến vở kịch trên.
Danh Đức (Theo TTCT)
Tin đã đăng
- Khủng hoảng chính trị kéo dài ở nước Bỉ
- Về Hiệp ước đơn giản của EU
- Liên bang Nga ngày nay
- Tiếng nói âm thầm
- Ông Musharraf có nguy cơ bị lật đổ?
- “Canh bạc” mạo hiểm
- Nóng bỏng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq
- Putin - một Roosevelt của nước Nga?
- Câu chuyện nhập cư ở châu Âu
- Đại hội đồng LHQ và những khát vọng toàn cầu