itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Quán của tôi / Điểm dừng chân mang phong cách Việt

Điểm dừng chân mang phong cách Việt

Nơi thưởng ngoạn trà lý tưởng cho người hoài niệm

Trên quốc lộ 20 chạy từ Tp.Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, qua thị xã Bảo Lộc chừng 10km, nằm vắt vẻo bên đường một lữ quán có tên “Trà Tiên Phong quán”.

Trà quán có quy mô lớn nhất Việt Nam này được xây dựng trên đất trà B’lao trong một khuôn viên khá rộng với những kiến trúc nhà rường cổ kính, uy nghi, bảng lảng bóng dáng của một thời quá khứ, những căn nhà dài cũ kỹ phảng phất màu của núi rừng Tây nguyên... Tất cả được mang về đây đặt trên một vùng cao nguyên lộng gió giữa bạt ngàn của những đồi trà.

Được xây dựng trên diện tích 2 héc-ta đất, “Trà Tiên Phong quán” được chia thành ba khu vực: trà uyển, ẩm thực và lưu niệm.

Trung tâm trà uyển là “Vọng Nguyệt trà quán” với ngôi nhà rường cổ “thất gian ngũ hạ” xây từ thế kỷ 18 của một vị quan lục phẩm triều Nguyễn tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Nhà được những người thợ tài hoa của làng mộc Kim Bồng xây cất trong vòng 5 năm với 152 cây cột mít đặt trên 152 phiến đá tán hình quả bí, 152 viên đá vuông và 14 tấn ngói lợp mái, đầu kèo chạm lọng rồng bay phượng múa tượng trưng cho sức mạnh. Với những bậc thềm dẫn lên nhà khá cao, đứng trước hiên nhà, khách có thể đón được ánh trăng cao nguyên thượng tuần bên bàn trà ngào ngạt hương – không gian ghi đậm dấu ấn của những viên quan lại thời xưa vào những đêm trăng sáng ngồi nhâm nhi chén trà, thưởng nguyệt, làm thơ.

Bảo Lộc với bạt ngàn những đồi trà

“Tịnh Tâm trà quán” vốn là ngôi nhà “ngũ gian nhị hạ” được cất trên bãi cát dài Chu Lai. Chủ nhà xưa kia cũng là một vị quan dưới triều Nguyễn cuối thế kỷ 19. Ông đã phải thu mua gỗ mít trong vòng 3 năm và thêm 4 năm xây cất. “Tri Kỷ trà quán” là căn nhà rường “tam gian tứ hạ”, rộng 125m2 của một ông chánh tổng. Sau khi mua lại căn nhà, chủ của “Trà Tiên Phong quán” đã phục chế căn nhà ngay trên nền cũ rồi mới mang về dựng lại. “Tri kỷ trà quán” và “Tịnh tâm trà quán” được xây lùi vào bên trong, khá tĩnh tại bên những ao hồ, giếng nước và cây xanh, bãi cỏ mượt như nhung. Căn nhà rường ở đất Duy Xuyên (Quảng Nam) có gác để trú ẩn trong mùa mưa lũ khắc nghiệt của đất Trung bộ được phục dựng lại làm gian “Tứ Quý trà quán”.

Những căn nhà sàn dài của người dân tộc Êđê cất toàn bằng gỗ, có mái lợp tranh mát rượi chính là khu ẩm thực. Các món ăn truyền thống như cơm lam gà nướng (Tây nguyên), phở khô (Gia Lai), mỳ Quảng, cơm gà Hội An được giới thiệu đến du khách như những nét văn hóa dân tộc không thể thiếu, cũng để lót lòng trong cuộc hành trình về miền cao nguyên xanh. Cũng tại “Trà Tiên Phong quán” có một quần thể những ngôi nhà rường cổ be bé xinh xinh trước đây được dùng để uống rượu, thưởng trà ngắm trăng tại Tiên Phước (Quảng Nam) giờ đây là nơi bày bán những món hàng lưu niệm.

Nghệ nhân trẻ giới thiệu về nghệ thuật pha trà

Không thể không nhắc đến gốc trà cổ thụ hơn ba trăm tuổi. Thân cây thấp, các nhánh cây gân guốc sù sì như cánh tay người trai Tây nguyên cuồn cuộn vươn đều, tỏa bóng tròn xoe. Thoạt nhìn cây đại trà cứ ngỡ như đã được các nghệ nhân cây cảnh uốn nắn và tạo dáng từ khi còn là cây con. Bên trong là vô số những đồ vật nếu không cổ thì cũng đã xưa cũ lắm rồi so với cuộc sống hiện đại ngày hôm nay. Từng viên ngói lợp âm dương, từng cây cột, kèo cho tới bộ tủ, bàn ghế, sập gụ, chiêng, trống… Lại có cả chiếc bàn xoay kỳ lạ như phép màu. Dưới sức nóng của hơi người tỏa ra khi đặt đôi bàn tay lên, mặt bàn từ từ xoay theo “câu thần chú” “phải xoay” hoặc “trái xoay” làm mọi người giật mình ngơ ngác.

Ánh sáng ở đây là thứ ánh sáng tĩnh, dễ giãi bày, chia sẻ và tìm thấy sự tĩnh tại, thư giãn. Và một trong những điều quan trọng nữa là trà quán phải có một mùi vị riêng. Thứ mùi hương từ gỗ, từ những gờ đá cũ, cổ kính qua thời gian có sức hấp dẫn và lắng đọng, thăng hoa và hoài niệm. Và giữa những gian nhà cổ này, chạm tay vào đâu du khách cũng cảm nhận từ nó cảm giác của chiều xa thẳm thời gian... Vì thế, đây là chốn thích hợp đối với du khách rộng dài thời gian ghé chân, muốn tĩnh tại thưởng trà bằng cả năm giác quan.

Trà Tiên Phong quán

Trong buổi cuối ngày còn bảng lảng bóng hoàng hôn, thoảng trong gió trời lồng lộng thổi qua những ngọn đồi, trên lá cây ngọn cỏ, âm ba của một thời xa lơ xa lắc như vang vọng mãi. Trong không gian ánh sáng huyền ảo từ những ngọn đèn lồng, những hàng liễn đối và bên chiếu trà, du khách được nghe những nghệ nhân trẻ giới thiệu về nghệ thuật pha trà bài bản, cầu kỳ của người xưa, cách uống trà khá kiểu cách và sành điệu của người Việt. Những ngôi nhà rường u huyền cô tịch này đã trở thành nơi thưởng ngoạn trà tiên lý tưởng cho người hoài niệm.

ItaExpress (tổng hợp)