itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn: Trời nước mênh mông

Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn: Trời nước mênh mông

“Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về. Câu ca trên đã song hành cùng người dân Lý Sơn hàng trăm năm nay như một minh chứng cho sự có mặt của ông bà ta tại dải cát vàng Hoàng Sa từ rất lâu rồi.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, tác giả của luận án tiến sĩ xuất sắc về các phong tục văn hóa miền biển, có một phát hiện khá lý thú về Lý Sơn sau nhiều năm đi điền dã để lấy tư liệu làm luận án. Theo ông Vũ, các bà mẹ ở Lý Sơn hát ru con toàn những câu ca dao liên quan đến Hoàng Sa, điều rất khác biệt với các bà mẹ ở đất liền: “Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”; hoặc “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”... Ông hỏi chúng tôi có biết vì sao như vậy không? Rồi tự trả lời: “Văn học dân gian, trong đó có ca dao tục ngữ là tấm gương phản chiếu những gì gan ruột nhất, máu thịt nhất và cũng ám ảnh nhất về những công việc của người dân nơi đó. Lý Sơn có cây tỏi, cây hành, có khai thác hải sản; tuy nhiên, thu hút toàn bộ tâm lực của người dân hòn đảo này suốt mấy trăm năm qua vẫn là chinh phục Hoàng Sa. Để ý mà xem, những câu ca dao nói về việc ra Hoàng Sa của dân Lý Sơn đều mang âm hưởng bi hùng nhưng tuyệt nhiên không hàm chứa một sự phản kháng nào. Đó là điều hiếm gặp trong ca dao khi đề cập đến việc “chấp hành mệnh lệnh cấp trên” thời phong kiến. Là bởi, việc sai phái binh phu ra Hoàng Sa của vua thời ấy đã song trùng với tâm nguyện chinh phục biển Đông của người dân ở đảo Lý Sơn này”.

Chinh phục

Kể từ khi trấn nhậm phương Nam cuối thế kỷ 16, Chúa Nguyễn đã nghĩ ngay đến việc “ra Hoàng Sa”. Các thư tịch cổ của triều Nguyễn cũng như những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục hoặc Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú đều đề cập khá tỉ mỉ về những cuộc chinh phục Hoàng Sa này. Theo đó, hằng năm, các Chúa Nguyễn đã sai người tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở hai làng An Vĩnh và An Hải vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là dân đinh ở hai phường An Hải và An Vĩnh của đảo Lý Sơn giương buồm theo gió nồm vượt sóng ra Hoàng Sa. Cứ tháng 2 nhận lệnh ra đi, tháng 8 trở về cửa Eo (cửa Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loài hải sản quý hiếm và các vật dụng thu lượm được từ những con tàu buôn bị đắm và trôi giạt vô đảo. Cụ ông Võ Hiển Đạt, người gác miếu Hoàng Sa hơn 60 năm nay ở đảo Lý Sơn, tác giả của những chiếc thuyền câu vừa được phục dựng đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi, lý giải về những cuộc ra đi của các binh phu Lý Sơn bằng những chiếc thuyền câu này: “Thuyền nhẹ và nhỏ nên chỉ chứa trên 10 người, không dùng chèo đâu, chèo chi nổi! Tất cả đều dùng buồm, lựa con nước và hướng gió mà đi. Bây giờ thuyền máy, chạy thẳng một lèo là tới nơi chứ thời ông bà mình đi bằng thuyền câu này, có những lúc nhìn thấy đảo rồi nhưng gặp hôm trời trở chứng, đổi hướng gió, buộc phải giương buồm lèo lái thuyền đi đường vòng, có khi hai ba ngày sau mới đặt được chân lên đảo”.

Quan sát chiếc thuyền câu mà cha ông ta đi Hoàng Sa được phục dựng tại Bảo tàng Quảng Ngãi, rồi nhìn những chiếc thuyền được cách điệu, thả trôi trên biển trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đủ để hình dung những gian truân mà ông bà mình phải vượt qua sau khi “nhận lệnh vua sai”! Trước khi đi Hoàng Sa, mỗi người lính phải chuẩn bị cho mình ngoài 6 tháng lương thực còn có 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, một đôi chiếu, một thẻ bài có ghi tên họ, bản quán… Hành trang này không báo hiệu một chỉ dấu bình yên nào cho người ra đi cả. Mỗi binh phu đều tiên liệu cho mình cái chết nên mới chuẩn bị những thứ hành trang như thế để nhỡ khi gặp nạn trên đường thì đồng đội bó xác lại rồi thả xuống biển với hy vọng là trong đất liền sẽ biết được tông tích của người xấu số khi vớt xác. Dù đầy bất trắc dọc đường nhưng dấu chân của những binh phu Lý Sơn hầu như đặt lên tất cả các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tìm bắt hải sản đơn thuần mà nhiệm vụ thiêng liêng hơn là họ đo đạc hải trình, vẽ bản đồ Hoàng Sa và dựng bia cắm mốc chủ quyền lãnh hải quốc gia ngoài đó. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hoàng Sa, nhiều hòn đảo đã mang tên những vị anh hùng trong đội hùng binh như đảo Hữu Nhật, đảo Quang Ảnh - những cai đội lừng lẫy một thời chinh phục Hoàng Sa là người Lý Sơn này. Nhà sư Thích Đại Sán người Trung Quốc, sau khi đi xứ Đàng Trong về, đã có những ghi chép khá tỉ mỉ về “dải cát vàng” Hoàng Sa được người Việt chinh phục, đặc biệt ông vô cùng thán phục về công năng của chiếc thuyền câu, một phương tiện đi biển độc đáo của người Việt, có thể chạy nhanh gấp 10 lần so với tàu gỗ nặng nề nếu “thuận buồm xuôi gió”.

Và một lễ hội độc đáo

Những rủi ro luôn đón chờ các binh phu chinh phục Hoàng Sa. Họ được ví như những chàng Kinh Kha một đi không trở lại. Tri ân họ, và cũng là để “trấn an” những chàng trai trẻ của Lý Sơn trước lúc lên đường, người dân hòn đảo này tổ chức một lễ hội mang tên Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hay còn được gọi bằng một tên khác, thay chữ “thế lính” bằng “tế lính”. Khi nói “thế lính” là dùng để chỉ các bước tiến hành của buổi lễ mà ở đó, thầy pháp (phù thủy) bằng phép thuật của mình đã “yểm” vào các hình nhân thế mạng cũng như các con thuyền cách điệu là sẽ phải “chết thế” (thế lính) cho số binh phu sắp lên đường. Còn nói “tế lính” là để chỉ việc tri ân những người đã bỏ mạng ngoài Hoàng Sa hoặc “tế sống” những người sắp lên đường. Tháng 3 là tháng cúng thanh minh của các làng nhằm tưởng nhớ những bậc tiền hiền đã có công khai hoang lập ấp và những linh hồn không nơi thờ phượng. Dân Lý Sơn đã kết hợp “việc lề” này làm lễ “khao quân” trước khi các binh phu lên đường ra Hoàng Sa.

Khác với nhiều lễ hội khác, lễ khao lề ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ nó gắn liền với việc chinh phục Hoàng Sa của ông bà, nghĩa là gắn liền với chủ quyền lãnh hải của đất nước, nhưng đây là lễ hội không có sự “dài tay” của chính quyền mà là do các bô lão trong làng định liệu. Lễ (phần hội gồm đua thuyền, ném cù, dồi bòng…) được cắm trong lòng nhân dân nên nó bền lâu, được người dân duy trì mấy trăm năm qua mà không hề bị mai một. Nếu nói bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa thì lễ khao lề ở Lý Sơn là một “bằng chứng” phi vật thể không thể chối cãi. Vì thế, với người dân Lý Sơn hôm nay, duy trì lễ khao lề cũng đồng nghĩa với việc duy trì sự khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam ở Hoàng Sa vậy.

Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ/ Thanh Niên