itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Ước mơ dang dở

Ước mơ dang dở

Hai mẹ con cùng bật khóc khi

mọi người giúp đưa chị Nga

(người ngồi ghế) ra sân.

Mặc dù không nằm trong vùng bị mưa lũ trực tiếp nhưng đường vào nhà mẹ con chị Tăng Thị Nga đầy nước và bùn. Con đường rộng chưa được 1m, nhằng nhịt vết xe cũ mới khiến người đi xe máy dịch chuyển còn khó hơn người đi bộ.

Căn nhà cấp bốn cũ xưa của bà Đoàn Thị Văn (mẹ chị Nga) nằm im ắng, buồn tẻ trong con ngõ vốn cũng vắng hoe ở đội 3, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nghe tiếng gọi, bà Văn từ trong nhà đi ra và tỏ vẻ vui mừng khi thấy mấy đồng nghiệp của con gái đến chơi. Bà mời mọi người vào nhà, đúng hơn là vào căn phòng nhỏ chừng 8m2 dành riêng cho chị Nga. Căn phòng chỉ có một chiếc giường duy nhất và hai chiếc ghế nhựa.

Gặp đồng nghiệp, chị Nga rất vui, cứ há miệng “a a” như muốn nói điều gì đó, rồi giơ cánh tay trái một cách khó khăn ra bắt tay mọi người.

Chị Tạ Thị Ngọc Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bình Nguyên, nơi chị Nga công tác, chỉ vào cô giáo cùng đi, hỏi chị Nga có biết ai không. Chị Nga gật gật đầu. Khi chị Loan chỉ sang tôi thì mặt chị Nga đầy ngơ ngác và cứ lắc đầu lia lịa. Rồi chị lại gật đầu nhiều hơn, gật liên tục khi chị Loan hỏi có nhớ trường lớp, nhớ học sinh không. Vụ tai nạn ôtô hồi tháng 7 năm ngoái đã khiến chị bị trấn thương sọ não dẫn đến bại liệt. Cuộc sống, sinh hoạt của chị bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ già đã 60 tuổi. Chị không còn nói chuyện được bình thường nhưng nghe mọi người nói chuyện, chị vẫn hiểu và tham gia bằng những cái gật, lắc đầu.

Chị Tăng Thị Nga sinh năm 1975, lấy chồng từ năm 18 tuổi và sinh được một cậu con trai, hiện đang học lớp 7. Năm 1995, khi chị Nga mang thai được hai tháng thì chồng chị qua đời. Sau khi sinh con, ước mơ được làm giáo viên từ khi còn đi học đã thôi thúc chị trở lại với nhà trường. Vượt qua mọi khó khăn, chị vừa nuôi dạy con vừa ôn tập lại những kiến thức đã học và kết quả là chị thi đậu vào Trường trung học sư phạm của tỉnh. Ngày ra trường, chị cầm tấm bằng tốt nghiệp đầy háo hức và đam mê, về dạy ở một trường cách nhà 50 km, say sưa truyền giảng cho học sinh những điều mình đã được học trên giảng đường. Sau 5 năm, chị được chuyển về công tác ở Trường tiểu học số 2 Bình Nguyên ngay gần nhà. Mặc dù trong mấy năm công tác, chị Nga mới chỉ đạt Giải nhất sử dụng đồ dùng dạy học cấp trường, Giải nhì sử dụng đồ dùng dạy học cấp huyện nhưng càng gắn bó, càng yêu nghề, chị lại đăng ký theo học lớp đại học từ xa, hòng bổ sung kiến thức chuyên môn của mình được vững vàng hơn.

Chị Nga và mẹ trước căn nhà cấp 4 đã cũ.

Tháng 7-2006, chị Nga về thành phố Quảng Ngãi để tham dự kỳ thi hết học kỳ, trên đường trở về nhà, chị bị đụng ô tô dẫn đến chấn thương sọ não và bại liệt. Hơn một năm kể từ khi xảy ra tai nạn, chị vẫn phải dùng thuốc bổ não. Mỗi tháng 20 mũi tiêm cũng tiêu tốn hết 1,4 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng ở vào hoàn cảnh bố mẹ già ngày ngày cày thuê, cuốc mướn thì cũng là quá sức, dù vẫn có thêm sự giúp sức của vợ chồng người anh trai. Vụ tai nạn xảy ra đã hơn một năm nhưng vẫn chưa được giải quyết nên gia đình chị chưa nhận được sự sự hỗ trợ nào thêm ngoài tiền viện phí. Chế độ bảo hiểm dành cho cán bộ, nhân viên chị cũng chưa được hưởng vì phải chờ kết quả xét xử từ phía công an để hoàn tất hồ sơ bệnh án. Vì thế, ở cái tuổi 66, bố chị vẫn ngày ngày đi làm nông để góp nhặt tiền thuốc thang cho con. Còn mẹ chị vẫn đi làm thuê những việc ngắn giờ vì không thể để con gái ở lâu một mình. Con trai của chị phải gửi về nhờ ông bà nội chăm nuôi giúp để bớt gánh nặng cho cha mẹ già…

Dù không thể tự mình kể lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra với chị, nhưng cảm xúc của chị cũng thay đổi theo câu chuyện của mọi người khi nhắc lại từng quãng thời gian mà chị đã trải qua.

Khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình chị, do trong nhà mất điện, căn phòng lại kín vách nên phải chuyển chị ra ngoài sân. Bà Văn xốc hai nách con gái, có lẽ mập gấp rưỡi bà do chỉ ăn, nằm một chỗ, rồi nhờ mọi người khiêng giúp hai chân con bà để chuyển chị Nga ra sân. Bà Văn đặt được chị Nga ngồi xuống chiếc ghế nhựa giữa sân rồi thì bất ngờ òa khóc. Thấy mẹ khóc, chị Nga cũng khóc theo. Tiếng khóc tủi thân, tức tưởi của hai mẹ con chị Nga khiến mọi người có mặt đều rươm rướm nước mắt. Đấy là lúc có người, còn khi chỉ có hai mẹ con, bà Văn chỉ có một cách dịch chuyển con gái duy nhất, đó là xốc hai nách con và kéo lê đi từng tí một. Nếu căn bệnh của chị không thể tiến triển khá hơn, thì một mai, khi bố mẹ chị già yếu, mất đi, không biết cuộc sống của chị sẽ ra sao. Ước mơ của chị cũng mãi mãi khép lại từ đây, trong căn phòng nhỏ bé và vắng lặng ở vùng quê yên bình này. Có phép màu nào làm thay đổi được căn bệnh của chị không?

Bùi Nhung