itaexpress / Quỹ ITA-s / Hoạt động Quỹ ITA-s / Phải nghĩ đến tương lai tốt đẹp phía trước

Phải nghĩ đến tương lai tốt đẹp phía trước

Ngay sau ngày tham dự Hội nghị Kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam, ngày 10/1, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến đã có buổi giao lưu với sinh viên các trường đại học Hà Nội tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Buổi giao lưu còn có sự tham dự của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTW MTTQVN, Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và nhiều giáo sư, giảng viên của nhiều trường đại học tại Hà Nội.

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí vui tươi, cởi mở. Mở đầu là các tiết mục ca hát, biểu diễn văn nghệ của các sinh viên đã làm cho không khí cả hội trường sôi động hẳn lên. Tất cả như đang sẵn sàng chào đón một sự kiện quan trọng. Khi bà Đặng Thị Hoàng Yến bước vào khán phòng, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay không dứt. Có thể nói, đây là buổi giao lưu làm bà xúc động và hồi hộp nhất, không khí tại đây đã làm khơi dậy trong lòng bà những ngày tháng tươi đẹp nhất trong quãng đời sinh viên của mình, bà nói.

Bà Yến chia sẻ, là người cũng đã từng trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, tuổi thơ của bà gắn liền với những năm tháng khó khăn nhưng bằng ý chí, nghị lực bà đã vượt qua tất cả để vươn lên trong cuộc sống. Năm 1980, bà tốt nghiệp Đại học Kinh tế, sau đó bà tiếp tục học Master tại Kiốp-ski (Liên bang Nga) về Văn học, Lịch sử, Triết học & Kinh tế rồi sang định cư, kinh doanh tại bang Huston (Mỹ). Có thể nói, để trở thành một người thành đạt như ngày hôm nay, chính gia đình mà đặc biệt là người cha là nền tảng đầu tiên để bà vững bước trên con đường đầy chông gai cho đến hôm nay.

Tại buổi giao lưu với các sinh viên, nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên xung quanh về sự thành công của Tập đoàn Tân Tạo nói chung và bản thân của bà Đặng Thị Hoàng Yến nói riêng liên tục được đưa ra. ItaExpress xin trích lược những câu hỏi được nhiều bạn quan tâm nhất:

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (bên trái), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, tại buổi giao lưu.

Một sinh viên Khoa Kinh doanh hỏi: Bà là người thành đạt, bà quan niệm thế nào về sự thành đạt. Đằng sau sự thành đạt của người phụ nữ là gì, thưa bà?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Nhiều người quan niệm rằng, kinh doanh thành công thì coi đó là thành đạt, tôi nghĩ không hẳn như vậy. Theo tôi, sự thành đạt trong kinh doanh cũng không chỉ có nghĩa là kiếm được lợi nhuận cao.

Trước kia, người phụ nữ làm được việc lớn trong xã hội là vấn đề hết sức khó khăn, nhưng ngày nay thì đã khác, người phụ nữ đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong xã hội. Sự thành công đối với tôi trước hết là ở tâm huyết, lòng say mê, có trách nhiệm trong công việc mình đang làm. Điều đó còn được thể hiện qua việc đặt mục tiêu, sự phấn đấu không ngừng của bản thân, tìm ra những giải pháp để vượt qua.

Tôi nghĩ rằng, mình có nhiều may mắn khi có hai cô con gái hiếu thảo và cũng rất giỏi. Ba các cháu không may đã bị tai nạn ô tô và mất khi tôi mang thai cháu thứ hai. Tôi vuốt mắt cho anh mà anh ấy không chịu nhắm, chỉ đến khi tôi hứa thầm với anh “Anh hãy yên lòng nhắm mắt, em hứa sẽ thay anh nuôi dạy các con nên người” và lúc ấy anh mới chịu nhắm mắt. Có lẽ đó là nỗi đau mà không gì có thể diễn tả nổi, chỉ một tuần sau tôi đã sút 7kg, ba tháng liền không hề chợp mắt được. Chính ba tôi là nguồn động viên, là người tiếp cho tôi sức mạnh để vượt lên số mệnh. Ba là người giúp tôi chăm sóc các cháu khi tôi buộc phải xa nhà vì công việc, có lẽ tôi không thể nào quên được hình ảnh ông với đôi kính dày cộp ngồi tận đến khuya để giúp cháu làm bài tập. Ngay cả cháu Phương Anh đi dự thi Văn quốc gia Anh, ông cũng là người đưa cháu đi. Cháu đã đoạt giải Nhì văn toàn nước Anh, là một trong 10 sinh viên đạt điểm luật cao nhất toàn quốc, cháu đã được nhận vào học tại trường Oxford, đã từng làm đạo diễn một số vở kịch được đăng báo, đã từng đạt giải Nhì về đạo diễn phim tại liên hoan phim dành cho học sinh, sinh viên các trường đại học tại Anh.

Còn cô con gái thứ hai nay cũng sắp vào một trường đại học ở Mỹ. Trước khi sang Mỹ, cháu đã học tại một trường nói tiếng Pháp ở Singapore, mặc dù mới chỉ lớp 9, nhưng cháu đã mạnh dạn đứng ra tranh cử chức Chủ tịch hiệp hội học sinh trong trường với hơn 30 em tranh cử và đã giành số phiếu gần như tuyệt đối, trong khi đó ở nhà cháu là đứa bé yếu ớt, với biệt danh “Con Cò”. Với tôi, con cái là ưu tiên số một, tôi tâm niệm rằng, nếu con người sống mà không biết quan tâm chăm sóc đến những người thân yêu của mình thì làm sao có thể biết quan tâm đến xã hội. Với các con, tôi luôn cố gắng làm tấm gương cho các cháu về tình cảm, về trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, người thân và cả cộng đồng.

Đại diện sinh viên tặng hoa cho bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Sinh viên Khoa Công nghệ hỏi: Khởi nghiệp đối với bà có gặp khó khăn không?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: “Ai nên khôn không khốn đôi lần”, tôi cũng đã từng trải qua nhiều thất bại, nghiệt ngã của thương trường, thậm chí đã có lúc khi đặt lưng xuống giường chỉ mong ngày mai mình không phải tỉnh lại nữa. Chỉ có ý chí và nghị lực mới giúp chúng ta vượt qua được mọi thăng trầm của cuộc đời để đạt đến ước mơ của mình. Không chấp nhận đầu hàng trong bất cứ trường hợp nào. Khi đứng trước một cánh cửa đóng chặt, nếu có thể tìm một khe hở để luồn một sợi tóc thì tôi tin rằng chúng ta có thể mở được nó.

Một sinh viên năm 3, Khoa Kinh doanh hỏi: Mục đích cuối cùng của nhà kinh doanh là đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và bản thân. Vậy phương châm của bà trong kinh doanh là gì?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Nếu kinh doanh không có lợi nhuận thì doanh nghiệp không tồn tại và không tạo được sự cách biệt. Giá trị mà doanh nghiệp mình đem lại cho xã hội phải bằng chính bàn tay và khối óc của mình, đó mới là niềm đáng tự hào.

Lợi nhuận là biểu hiện sự thành công trong quá trình biến lý thuyết thành thực tiễn. Nhưng doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà quên đi tất cả các hoạt động khác thì cũng không có chỗ đứng. Đối với tôi, lợi nhuận không là tất cả! Điều quan trọng hơn là lợi nhuận đó có ý nghĩa gì, nó có giúp được gì cho những người thân yêu của mình, những người xung quanh mình và cho xã hội.

Một triết lý mà tôi luôn tâm niệm trong con đường kinh doanh cũng như trong cuộc đời là: “Con đường chúng ta đi qua phải biết tạo ra Phúc Đức, không nên làm điều gì mà mình không muốn người khác làm điều đó với mình”.

Bà Yến đang trả lời câu hỏi của các sinh viên.

Các bạn sinh viên Khoa Công nghệ hỏi: Làm khi nào để có công việc và tạo dựng sự nghiệp tốt sau khi ra trường là vấn đề không hề đơn giản đối với hầu hết sinh viên hiện nay, trong đó bà có quan niệm sinh viên của trường công lập và dân lập?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Điều đó không nằm ngoài sự nỗ lực không ngừng của từng sinh viên khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường. Tất cả sinh viên các trường đều bình đẳng như nhau. Tại Mỹ, sinh viên các trường dân lập luôn có xu hướng phát huy khả năng nhiều hơn so với sinh viên các trường công lập. Cũng theo Giáo sư Trần Phương, hiện nay sinh viên Việt Nam được trang bị lý thuyết tại trường nhiều hơn so với thực hành thực tiễn, vì vậy khi ra trường làm việc gặp không ít khó khăn so với sinh viên học tại các nước như: Pháp, Mỹ Anh… Có một điều là, sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá là thông minh, sáng tạo, chịu khó học hỏi nên thành công trên con đường lập nghiệp đối các bạn là không quá xa tầm tay. Ngày xưa bản thân tôi cũng là người tự học là chủ yếu. Khi tôi sinh sống ở Nga thì tôi cố gắng học cho bằng được tiếng Nga, tiếng Anh cũng vậy, tôi học mọi lúc, mọi nơi, cả trên tàu xe… Trong những tháng hè là điều kiện tốt để sinh viên các bạn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, bổ sung kiến thức để khỏi bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc.

Sinh viên Khoa Công nghệ hỏi: Để kinh doanh thành đạt, theo bà phải có những yếu tố nào?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến: Trước hết phải biết ước mơ, rồi sau đó là lòng say mê và có trách nhiệm để thực hiện ước mơ của mình. Mỗi người đều phải có ý chí phấn đấu, phải nghĩ đến tương lai tốt đẹp phía trước, động viên chính bản thân mình để vượt qua. Chính lòng say mê sẽ cho chúng ta khả năng sáng tạo và vượt qua mọi khó khăn thử thách. Còn trách nhiệm: chính là trách nhiệm với chính mình, với công việc và với mọi người.

Một tiết mục văn nghệ do các sinh viên thực hiện.

Ngoài ra chúng ta cũng rất cần sự tự tin, mà muốn làm được điều đó thì không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức nghề nghiệp, kiến thức của cuộc đời. Cái gì ngày hôm nay chúng ta chưa biết không có nghĩa là ngày mai chúng ta không biết, mình phải tin vào điều mình đi thuyết phục thì mới có thể thuyết phục được người khác.

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, đại diện Trường Đại học Kinh doanh có nhã ý đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo đứng ra bảo trợ một số khoa của trường, tạo mối quan hệ gắn bó với nhà trường và sẽ là nơi đầu ra cho nhiều sinh viên đến với Tập đoàn Tân Tạo. Vẫn thể hiện trách nhiệm với xã hội của một doanh nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển, bà Yến khẳng định không chỉ có ngày hôm nay mà liên tục, lâu dài và thường xuyên thông qua Quỹ ITA Vì tương lai của Tập đoàn Tân Tạo sẵn sàng hỗ trợ tất cả các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập.

Bà cũng chia sẻ thêm, Tập đoàn Tân Tạo đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn, với hàng chục công ty thành viên, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, số lượng CB-CNBV lên đến cả ngàn người. Vì vậy, Tập đoàn Tân Tạo luôn dang rộng vòng tay đón chào tất cả các bạn có năng lực và tâm huyết đến làm việc.

Công Huy (thực hiện)