itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Chúng ta là một!

Chúng ta là một!

Là một trong 3 cô gái VN tham gia diễn đàn “Thanh niên châu Á và châu Âu đối thoại về đa dạng văn hoá” do Liên Hiệp Quốc vừa tổ chức tại Malaysia. Qua email, đại biểu Khánh Thương đã gửi về TNO những ghi nhận của mình.

1. Lần đầu tiên gặp gỡ, không có sự rụt rè, không khoảng cách, không phân biệt màu da, chỉ có những gương mặt luôn mỉm cười, chia sẻ cùng nhau mọi suy nghĩ một cách thẳng thắn, nghiêm túc… thái độ thân thiện tuyệt vời đó đã tạo nên thông điệp “Chúng ta là một” xuyên suốt 5 ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa thanh niên thế giới về các vấn đề đa dạng văn hoá.

Lịch trình làm việc và hoạt động của chương trình đối thoại chạy kín mít tới 22h30 mỗi ngày. Gần 100 thanh niên từ gần 30 quốc gia châu Á và châu Âu đã thảo luận, trao đổi, đối thoại liên tục về 4 chủ đề lớn:

- Bạn hiểu thế nào là đa dạng văn hoá?

- Văn hoá là những vấn đề bên trong hay bên ngoài?

- Vai trò của thanh niên trong việc nâng cao, mở rộng, phát triển đa dạng văn hoá.

- Xung đột văn hoá trên thế giới và những thách thức của đa dạng văn hoá?

Kết thúc 4 ngày thảo luận và đối thoại, thanh niên 2 châu lục đã hoàn thành một chương trình hành động trong đó có hàng chục sáng kiến nhằm nâng cao và phát triển đa dạng văn hoá cũng như tham gia giải quyết những thách thức của đa dạng văn hoá.

2. Hàng chục sáng kiến được thanh niên đưa ra liên quan đến vai trò và sự tham gia của chính phủ các quốc gia trong tiến trình nâng cao, phát triển cũng như giải quyết các xung đột trong đa dạng văn hoá. Đặc biệt là vai trò của nền giáo dục trong việc tạo môi trường cho thanh niên lĩnh hội kiến thức đa dạng văn hoá đồng thời mở rộng sự thông hiểu nét đẹp và sự tôn trọng các nền văn hoá trên thế giới. Vai trò và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội mà đặc biệt là giới truyền thông trong quá trình tuyên truyền, thúc đẩy đa dạng văn hoá.

Xây dựng mạng lưới thanh niên thế giới về đa dạng văn hoá; Tổ chức ngày hội đa dạng văn hoá của thanh niên ở tất cả các quốc gia; Lồng ghép và xây dựng các chương trình đào tạo về đa dạng văn hoá trong nhà trường (không chỉ ở cấp bậc đại học mà cần thiết đào tạo và giảng dạy trong các trường cơ sở và phổ thông; Nâng cao năng lực lãnh đạo trẻ trong thanh niên ở các vùng, khu vực bằng việc xây dựng câu lạc bộ đa dạng văn hoá khu vực châu Á và châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng, độc đáo trong các sản phẩm văn hoá của các quốc gia… Đây là những sáng kiến cơ bản của thanh niên 2 châu lục đưa ra trong các ngày đối thoại.

Đêm trình diễn sự đa dạng văn hoá thực sự là một bữa tiệc về màu sắc, đầy ấn tượng với hàng trăm bộ trang phục truyền thống, các giai điệu dân ca, trò chơi dân gian, các điệu nhảy truyền thống vui nhộn… Tất cả các diễn giả tham gia chương trình, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia, ông Hon Dato’ Seri Syed Hamid Albar, nhấn mạnh rằng “Chúng ta đều mong chờ và đang nỗ lực hàng ngày để các dân tộc trên thế giới có thể chung sống hoà bình và tốt đẹp, thanh niên là hạt nhân của triển vọng đó. Các bạn cần thiết hiểu rõ được văn hoá của dân tộc mình và buộc phải học một ngôn ngữ chung của thế giới vì đây là công cụ hiệu quả nhất để chia sẻ các giá trị và vẻ đẹp văn hoá giữa các dân tộc”.

3. Malaysia có chương trình quốc gia mang tên “Hãy nhắc tôi cười” góp phần tăng cường hình ảnh về một Malaysia thân thiện không chỉ với khách du lịch quốc tế mà hơn thế chương trình được áp dụng cho toàn bộ hệ thống chính quyền của Malaysia nhằm thúc đẩy sự chia sẻ và trách nhiệm của chính phủ khi làm việc và phục vụ dân chúng.

Singapore, quốc gia xinh đẹp và nổi tiếng là sạch nhất thế giới luôn vận động và nỗ lực để bảo vệ hình ảnh giá trị đó của mình. Chương trình quốc gia “Mỗi em bé một cây xanh” là một ví dụ điển hình góp phần giúp quốc gia này duy trì một bầu không khí trong lành, thúc đẩy trách nhiệm từng cá nhân trong cuộc đời của mình xây dựng sự hoà bình, màu xanh cho đất nước.

Hàn Quốc với chương trình “6H” cũng nhằm mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của đất nước mình trong thời kỳ phát triển và có nhiều biến động văn hoá.

Việt Nam thì sao? Tất cả bạn bè quốc tế đều thốt lên “Đẹp quá!” khi thấy các đại diện Việt Nam trong trang phục áo dài truyền thống. Cảm xúc tự hào nhìn thấy một cách rõ ràng trên gương mặt 3 cô gái đến từ Việt Nam. Miss Hà Nội, Miss Đà Nẵng, Miss Sài Gòn, đó là 3 cái tên gọi tắt của bạn bè quốc tế gọi 3 cô gái Việt Nam. Tôi chợt nghĩ, tại sao Việt Nam chưa có một ngày để tất cả phụ nữ trên dải đất hình chữ S xinh đẹp được diện bộ áo dài duyên dáng ấy và gặp nhau mỉm cười, chào thương mến: “Hôm nay là ngày Áo dài”. Thật tuyệt vời!

Bạn có thích ăn sầu riêng? 

Có thể bạn nghĩ rằng thích ăn sầu riêng hay không chẳng liên quan gì đến chủ đề của chương trình, tuy nhiên câu chuyện về ăn sầu riêng là một ví dụ điển hình và dễ hiểu về các vấn đề đa dạng văn hoá. Bạn thích ăn, không thích ăn? Bạn có ngửi được mùi của nó khi ăn? Hoặc bạn có thể hiện sự khó chịu, không thích khi người khác ăn sầu riêng ngon lành… Sầu riêng vẫn là sầu riêng, ngon hay không ngon, thơm hay gây mùi khó chịu… phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khi bạn không thích ăn sầu riêng bạn tôn trọng sở thích của người khác như thế nào? Bạn thích, bạn thể hiện cảm xúc của mình ra sao?

Đ.N.K (thực hiện)