itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Sự nan giải của hội nghị Bali

Sự nan giải của hội nghị Bali

Khoảng 10.000 đại biểu và phóng viên

tới tham dự Hội nghị Bali

Hội nghị về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc chính thức khai mạc vào ngày 3/12 tại Nusa Dua, Bali, với sự tham dự của khoảng 10.000 đại biểu và giới truyền thông.

Trên đường dẫn vào khuôn viên hội nghị người ta có thể nhìn thấy rõ ràng an ninh do Liên hiệp quốc phối hợp với nhà chức trách Indonesia được xiết chặt như thế nào.

Nhưng điều làm cho các đại biểu bên trong quan tâm không phải an ninh mà những vấn đề gai góc họ phải bàn thảo và hy vọng có thể đi đến quyết định chỉ trong vỏn vẹn có hai tuần.

Các phúc trình gần đây của Ủy ban liên quốc gia về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) quả quyết thay đổi khí hậu đang xảy ra do khí nhà kính gia tăng từ các hoạt động của con người.

Vấn đề trở nên bức thiết hơn trước các bằng chứng hiển nhiên của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Á châu là một trong những nơi sẽ bị tác hại nặng nề nhất. Theo kết quả của các mô hình phỏng đoán độ ác liệt của bão hay áp thấp nhiệt đới có thể tăng từ 10-20%.

Các đợt nóng như ở Ấn Độ năm 2002 làm cho hơn 1.000 chết cũng xảy ra thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa sinh mạng của hàng triệu người khi mà hơn nửa dân số của 21 nước Á châu sống ven biển.

Bài toán hóc búa

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu kinh tế trên thế giới tăng trưởng tốt như đã dự kiến, cần phải cung cấp một lượng năng lượng khổng lồ cho sự tăng trưởng đó.

An ninh được tăng cường tối đa

Dĩ nhiên các nước giàu sẽ giàu thêm, nhưng quan trọng hơn là các nước nghèo có hàng triệu người hiện sống với chưa đến 1 đôla một ngày. Họ phải làm sao xóa nghèo để bảo đảm sự tăng trưởng của kinh tế.

Cơ quan này ước tính để cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng đó, các nước sẽ bỏ ra 20 tỉ tỉ đôla cho việc sản xuất điện.

Phát biểu tại cuộc họp báo đêm trước khi hội nghị Bali chính thức khai mạc, ông Yvo De Boer, Thư ký điều hành của Công ước khuôn khổ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lên tiếng báo động:

“Nếu như chúng ta không có chính sách quốc tế để hạn chế và rồi có thể giảm khí nhà kính, chúng ta sẽ thấy lượng khí nhà kính tăng 50% thay vì giảm 50% như chúng ta mong muốn.”

Cộng đồng khoa học nói rằng thế giới chỉ có từ 10-15 năm nữa để giảm thiểu khí nhà kính theo thời gian.

Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã buộc các nước công nghiệp chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Nhưng nhiều nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ, nói rằng họ sẵn sàng có hành động về biến đổi khí hậu.

Họ sẵn sàng vận dụng tài lực của họ để thích nghi và làm nhẹ các hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng mọi người phải tôn trọng quan tâm chính của các nước này là tăng trưởng kinh tế và xóa nghèo.

“Sự thách thức cho chúng ta là tìm ra những giải pháp hợp lý để cân bằng giữa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà không gia tăng khí nhà kính.”

Đó chính là bài toán hóc búa mà ông De Boer hy vọng trong hai tuần nhóm họp tại Bali các đại biểu có thể tìm ra đáp số, hoặc ít ra cũng đồng ý bắt đầu đàm phán cho các giải pháp lâu dài.

Nghị trình hội nghị

Theo chương trình các đại biểu sẽ bàn thảo bốn vấn đề chính có liên quan với nhau. Thứ nhất, làm sao giới hạn hoặc giảm thiểu khí thải nhà kính.

Thứ hai, làm sao thích nghi, tức chiến lược để giúp các nước đang phát triển thích nghi với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Thứ tư, làm sao giúp các nước giới hạn hoặc giảm thiểu khí nhà kính thông qua kỹ thuật.

Thứ năm, và có lẽ sẽ gây nhiều bàn cãi nhất tại hội nghị, là làm sao có đầu tư và luân chuyển tài chính để các nước đang phát triển có thể giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của họ.

Yvo De Boer, Thư ký điều hành của UNFCCC

Ông de Boer nói ông hy vọng hội nghị sẽ quyết định để cho cơ quan GEF (Global Environment Facilities) tiếp tục quản lý quỹ thích nghi.

“Nếu chúng ta có thể đồng ý về một quỹ tạm thời và để cho GEF làm nhiệm vụ của họ thì nội trong một năm quỹ đó có thể bắt đầu hoạt động để cung cấp cho các nước đang phát triển những trợ giúp cụ thể.”

Cơ quan giám sát GEF là hội đồng GEC đã cho phép GEF có hoàn toàn sự uyển chuyển trong việc giải quyết yêu cầu của các nước liên quan đến việc quản lý quỹ thích nghi như thế nào.

Các nước phát triển ủng hộ GEF với các dự án thực hiện qua Ngân hàng Thế giới, các cơ quan của Liên hiệp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực và Quỹ phát triển nông nghiệp.

Nhưng đa số các nước nghèo phản đối cơ quan này.

Tại một cuộc họp cũng tại Bali trước ngày khai mạc hội nghị, giới chức cao cấp của nhóm 77 các nước đang phát triển (G77) đồng ý một cơ chế để cho quỹ thích nghi phải được minh bạch, có thể kiểm tra và việc xin ngân sách và giải ngân phải dễ dàng.

Giới chức cũng đồng ý hệ thống quản lý quỹ với hai tầng kiểm soát. Hai đề nghị này sẽ được đưa ra hội nghị bàn thảo.

Ý chí chính trị

Ông De Boer nói: “Hiện có các dấu hiệu cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu đang lên đến cao trào.”

"Viễn cảnh thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra làm cho các chính trị gia lưu ý hơn. Chúng ta đã có phần lớn các giải pháp, còn thiếu chăng là ý chí chính trị.”

Rõ ràng không ai hy vọng Tổng thống George Bush của Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Cho dù nếu ông thay đổi quan điểm vẫn không ăn thua vì đa số trong thượng viện cũng chia sẻ quan điểm này và sẽ không bao giờ thông qua.

Kyoto đề ra chỉ tiêu các nước phát tiển phải đạt trong từ 2008-2012, và hiện đang có đàm phán về chỉ tiêu sau năm 2012 cho các nước này mà có vẻ sẽ từ 25-40%.

Cần tăng cường cam kết chính trị

Cũng không ai hy vọng và vòng đàm phán tới các nước đang phát triển đồng ý đưa ra chỉ tiêu cắt giảm khí nhà kính. Đó chính là lý do ông Bush cho rằng Kyoto không phù hợp vì các nước đang phát triển không có chỉ tiêu cụ thể.

Vấn đề bây giờ là làm sao soạn thảo thỏa thuận lâu dài về biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận được, kể cả Hoa Kỳ.

Nhưng hồi đầu năm nay Tổng thống Bush đã nói biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi có phản ứng toàn cầu.

Như vậy Hoa Kỳ nay đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán cho giải pháp lâu dài.

Gần đây hơn Liên hiệp Âu châu cam kết từ nay đến 2020 sẽ cắt giảm 20% khí nhà kính. Nhóm G8 thì thúc giục việc đàm phán thỏa thuận mới nên kết thúc trong hai năm nữa.

Đó là một Nghị định thư Kyoto kéo dài, hay là một thỏa thuận gì khác trên nền tảng của công ước khung, thì còn phải chờ xem.

Nhưng ý chí chính trị này mạnh đến đâu chúng ta sẽ thấy ngay vào tuần tới (12-14/12) khi dự kiến có đến 130 bộ trưởng môi trường và lãnh đạo các nước đáp máy bay xuống dự họp tại Bali.

Theo Quốc Vinh (BBC)