Du khách về miền Tây trốn nắng
Tình trạng nâng giá “chặt chém”, giành giật phòng khách sạn vào những dịp lễ hội đã làm cho nhiều người ngán ngại đến những trung tâm du lịch lớn. Cộng với mấy ngày nay, những cơn mưa chuyển mùa làm khí trời miền Tây dịu hẳn. Do đó, mà đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này khách đổ về đây đông đúc hơn nhiều.
Đối với những đoàn khách quốc tế đã đặt trước hoặc khách lẻ Tây ba lô thì những ngày lễ này không có ảnh hưởng gì về số lượng tăng giảm. Nhưng khách nội địa thì đã tăng từ… nhiều tuần trước. Đặc biệt khách tự đi tăng đột biến, bắt đầu từ Chủ nhật (29/4). Điểm qua các nhà vườn quen thuộc như: Chí Sang, Ngọc Lý, Chín Mai, Tám Lộc,… đều có lượng khách tăng đáng kể so với năm trước. Đặc biệt, Khu trang trại Vinh Sang riêng trong ngày 29/4 đã có trên 20 đoàn, dự đoán lượng khách nghỉ lễ đổ về Vinh Sang năm nay sẽ vượt qua con số 6.000 khách của năm rồi. Vườn mận Chí Sang đã đón đoàn khách TP Hồ Chí Minh từ sáng sớm. Việc tổ chức tát mương bắt cá, các dịch vụ đều thỏa thuận trước. Cô Năm chủ vườn cho biết, hiện giờ giá vào vườn đã giảm chỉ còn 30.000đ cho hai khách (trước đây là 40.000đ). Còn thịt gà nấu cháo, làm gỏi, chỉ tính 180.000 đ/kg. Ngày có 2 khách cũng vậy, mà có cả trăm khách mình cũng tính vậy. Hơn 30 khách là nhân viên của Công ty Bất động sản Đất Xanh, họ tự lên mạng tìm kiếm rồi tự tổ chức chuyến du lịch 2 ngày về Vĩnh Long. Anh Khang cho biết: Về Vĩnh Long đúng là trốn nắng, trời không gay gắt như ở trên Sài Gòn, lại có vườn cây nên không khí khá dễ chịu, mọi người lại có chuyến trải nghiệm thật vui, đa số anh em nào tới giờ có biết bắt con cá nó ra làm sao đâu. Cá bắt được tự nướng và nhậu ngay giữa vườn thiệt sướng. Lý do hấp dẫn các anh chọn Vĩnh Long trước hết là giá khá rẻ, trọn gói các dịch vụ của Vinh Sang cho đoàn khách 10 người chỉ có 262.000 đ/người, gồm: ăn uống, vui chơi, tát mương cá lóc, câu cá sấu, cỡi đà điểu,… Đoàn công ty của anh trên 30 người nên giá được giảm xuống rất nhiều. Với số tiền này, chỉ đủ một bữa ăn bình dân trên TP Hồ Chí Minh. Còn làm tour ra Nha Trang, Đà Lạt thì phải mấy triệu bạc. Thời buổi này, tiết kiệm luôn là ưu tiên số một. Nhưng quan trọng là trong chuyến đi luôn cảm thấy thoải mái, không bị bắt chẹt này nọ, đúng nghĩa một chuyến thư giãn nạp lại năng lượng, chuẩn bị cho những ngày làm việc sắp tới.
Có nhiều lý do để nhiều du khách chọn tour du lịch về miệt vườn ở miền Tây trong dịp nghỉ lễ 4 ngày này. Nhưng đa số khi được hỏi đều có điểm chung là giá cả khá mềm và cảm giác an toàn, thoải mái không phải hồi hộp sợ bị “chặt chém”. Một nét đẹp của con người ĐBSCL làm du lịch.
Vườn mận Ngọc Lý thì lượng khách rất đông, phải tập trung tất cả người nhà mà phục vụ không xuể, phải nhờ thêm một số bà con gần đó phụ một tay- chú Hai Ngọc vừa bưng thức ăn cho khách, chạy mướt mồ hôi, vừa vui vẻ phân trần. Trong số hàng chục nhà vườn mới nổi lên gần đây, có lẽ Ngọc Lý làm ăn khá tốt. Tuy cách làm ăn rặt kiểu nông dân, nhưng vườn mận Ngọc Lý giờ đây đã là… thương hiệu khá nổi tiếng ở cù lao An Bình. Chú Hai Ngọc- chủ vườn mận Ngọc Lý nhớ lại cái thuở đầu cách đây 7- 8 năm, gia đình gầy được giống mận chuông (An Phước) về trồng trên cả chục công. Nhờ nhiều người đồn giống mận ngon, nên có người muốn tìm đến tận nơi, mua tại chỗ. Rồi khách đến ngày một đông, bà xã mới cắt... thùng thiếc, viết nguệch ngoạc mấy chữ: “Cho khách vào vườn”, móc toòng teng lên nhánh cây ngoài đường. Mà lạ! Khách ùn ùn kéo tới. Sau này, thấy khách có nhu cầu, gia đình chú mở rộng thêm, cất lều, mắc võng dưới các tán cây cho khách nghỉ ngơi. “Điểm tham quan vườn mận Ngọc Lý” đã ra đời như vậy đó. Giờ đây trên 12 công mận, cất thêm 40 cái chòi, hàng mấy chục chiếc võng, mấy ngày lễ này không còn chỗ trống, nhưng giá cả không tăng thêm đồng nào. Từ tiền vào vườn bán trái cây bụng, tiền bán trái cây, cũng như các món ăn đều có giá như ngày thường. Khách có nhu cầu ăn uống cũng được phục vụ tận tình với những món ăn dân dã như canh chua lục bình hay rau tai tượng, cá chiên xù, gà nấu cháo,... Gà, cá, rau đều là sản phẩm tự cung, đảm bảo sạch trong vườn nhà. Vào dịp lễ, tết hay những ngày cuối tuần, khách rất đông, có khi lên 400– 500 người, không đủ chỗ ngồi. Chú Hai Ngọc khoe: Khách đến đây, có người ở tận ngoài miền Bắc. Họ thích không khí thoáng mát của miệt vườn, được tự do hái trái và cách phục vụ rất “nông dân” của người địa phương nên rất mê. Không riêng gì vườn mận Ngọc Lý, có đi hết cù lao này giá cả đều như vậy. Ghé vườn mận Tám Lộc, khách cũng khá đông. Anh Nguyễn Văn Hải ở tuốt dưới Cà Mau đi cùng với gia đình, tỏ ra thích thú khi từ “dưới xứ ngập mặn cây trái nghèo nàn, được lên đây nhìn cây trái bắt ham, còn mấy đứa nhỏ rất mê chạy lắn quắn trong vườn hái trái”. Anh Hải nói: “Đến Vĩnh Long mà không tới tham quan vườn cây ăn trái ở xứ cù lao và tự tay hái trái là một điều thiếu sót. Năm tới, chúng tôi sẽ cùng với bạn bè tổ chức một chuyến lên đây chơi, sang miệt vườn nghỉ ngơi, thư giãn...”. Du lịch Vĩnh Long cho tới giờ này đã để lại trong lòng du khách một ấn tượng đẹp, về cách làm ăn còn giữ được bản sắc chân thật, miệt vườn. Không có cảnh lợi dụng cơ hội làm giá, phục vụ dối trá như một số trung tâm du lịch lớn khác. Tuy nhiên, khách đến Vĩnh Long đa phần chỉ là đi về trong ngày. Khách muốn ở lại thì không còn gì “để chơi”. Như vậy trong những dịp nghỉ lễ dài ngày như thế này, chúng ta chưa thể tranh thủ “lấy hết” trọn vẹn những ngày nghỉ của du khách. Đó cũng là câu hỏi trăn trở cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh…
Theo QUANG THUẦN (Vĩnh Long Online)
Tin đã đăng
- Hàng vạn người tham dự Carnaval Hạ Long
- Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn: Trời nước mênh mông
- Hạ Long, niềm tự hào của quê hương Việt Nam
- "Người Việt Nam thật tốt bụng!"
- Tà Cú: Một tuyệt tác của thiên nhiên
- Báo nước ngoài viết về văn hóa uống rượu của người Việt
- Hà Nội tràn ngập trong sắc đỏ bằng lăng
- Nhớ mùa hoa bưởi
- “Du hí” đảo Khỉ
- Phố Tây đâu chỉ dành cho “Tây”